Kim Duc Law Co.,Ltd

TIN TỨC & SỰ KIỆN

Bị tuýt còi, gọi “người thân”!

Khi bị lực lượng CSGT phát hiện, xử lý hành vi vi phạm luật giao thông, hầu hết những người vi phạm đều thực hiện động tác đầu tiên là… rút điện thoại gọi người thân. "Nếp" xấu này đang có xu hướng trở thành một thủ tục, thói quen của những người vi phạm luật giao thông.

 

 

Bị tuýt còi, gọi “người thân”!
Thói quen rút điện thoại gọi cho người quen, người thân đã trở thành "nếp" của người vi phạm luật giao thông (Ảnh minh họa)

 

Vừa qua, trên các trang chia sẻ video trực tuyến lan truyền một đoạn clip, được camera của VOV giao thông ghi lại. Trong hình là cảnh một thanh niên khoảng 30 tuổi, ăn mặc sành điệu, có những hành vi, lời nói thiếu văn hóa khi bị cảnh sát dừng chiếc xe Poscher trị giá trên 3 tỷ đồng để kiểm tra trên đường phố Hà Nội. Trước yêu cầu kiểm tra hành chính của lực lượng chức năng, thay vì chấp hành, anh ta gọi điện cho người thân, nghênh ngang không hợp tác với người làm nhiệm vụ. Thậm chí, trước mặt công an, còn thẳng tay ném bật lửa và bao thuốc hút dở vào mặt của một nữ phóng viên đang tác nghiệp. Khi bị cưỡng chế, thanh niên này vẫn liên tục gọi điện cho người thân và buông lời lẽ tục tĩu đối với những người thực thi pháp luật. Ngay sau đó, đối tượng được xác định là Chu Đăng K, sinh năm 1982, tại thành phố Vinh – Nghệ An.

 

Lo ngại là hành vi đáng lên án đó không phải trường hợp cá biệt. Gần đây, Cảnh sát giao thông Hà Nội liên tục chứng kiến những trường hợp vi phạm giao thông tự xưng là "cháu chú Nhanh" (nguyên Giám đốc Công an TP Hà Nội) để không bị xử phạt. Trung tá Nguyễn Thanh Ca, Đội phó đội 4 Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hà Nội cho biết: Khi thực thi nhiệm vụ, chúng tôi gặp không ít trường hợp vi phạm Luật Giao thông bị "tuýt còi" thì thay vì chấp hành hiệu lệnh, người điều khiển phương tiện rút điện thoại gọi người này, người kia để nhờ can thiệp, xin xỏ. Có người gọi xong thì ra nói chuyện với cảnh sát, có người cầm điện thoại đưa cho cảnh sát để… nói chuyện với "người thân". "Lãnh đạo các cấp không nên can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông để thực thi pháp luật được nghiêm minh. Chứ cứ có vụ việc xảy ra là điện thoại gọi đến liên tục, anh em thi hành nhiệm vụ không nghe điện thoại không được!”- Ông Ca bức xúc nói.

 

Chia sẻ về "nạn" bị tuýt còi là gọi điện thoại cho "người thân", một chiến sĩ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội than thở: Không ít người tự xưng là cháu ông nọ, con bà kia để hù dọa anh em cảnh sát. Cũng không ít trường hợp chúng tôi kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm thì bị cấp trên mắng: “Vuốt mặt cũng phải nể mũi chứ”.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ "nếp xấu" gọi điện thoại cho người thân có đất để "hoành hành" ở Hà Nội chính là xuất phát từ sự cả nể của người được giao nhiệm vụ bảo vệ luật pháp, hoặc đang thực thi công vụ. Dù muốn dù không, hầu hết họ đều phải chấp nhận việc này. Ở đây, yếu tố vật chất là không có. Nhưng đại bộ phận người tham gia giao thông khi được hỏi về hiện tượng này thì đều bày tỏ sự bất bình. Hầu hết đều cho rằng: Đó là vi phạm pháp luật. Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Tình trạng này cứ tiếp tục sẽ dẫn đến sự nhu nhược, cả nể, buông lỏng quản lý và gây ra sự lộn xộn. Và xa hơn, là tiếp tay cho sự khinh nhờn pháp luật, chống người thi hành công vụ. Mới đây việc ngày 7/6/2012, Công an quận Hoàng Mai đã tạm giữ hình sự đối với ông Vũ Xuân Hiền (54 tuổi, ở tổ 20, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội) cùng con trai là Vũ Xuân Hùng (19 tuổi) để điều tra về hành vi “chống người thi hành công vụ cho thấy điều đó.

 

Cụ thể, vào khoảng 9h cùng ngày, tổ công tác thuộc đội Cảnh sát giao thông số 4 – Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội phát hiện Vũ Xuân Hùng điều khiển xe máy có hành vi vượt đèn đỏ đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra hành chính. Nhưng thay vi chấp hành, đối tượng này lại rú ga, lạng lách bỏ chạy, sau đó dừng xe lại và lớn tiếng thách thức tổ công tác. Thấy vậy, Thượng sĩ Lương Đình Hải yêu cầu Hùng xuất trình giấy tờ tùy thân. Tuy nhiên, Hùng không xuất trình được bằng lái còn tiếp tục chửi bới và thách thức nên đã bị tổ công tác lập biên bản xử phạt hành chính. Thấy vậy, Hùng rút điện thoại gọi cho bố là ông Vũ Xuân Hiền và nói rằng mình bị Cảnh sát giao thông đánh. Khoảng 15 phút sau, ông Hiền xuất hiện rồi cả hai bố con lao vào đấm đá Thượng sĩ Hải. Thấy đồng nghiệp bị hành hung, một Cảnh sát giao thông khác can ngăn cũng bị ông Hiền “tung chưởng”. Hậu quả của những cú đánh này là Thượng sĩ Hải bị thương phù nề ở vùng mặt phải điều trị tại Bệnh viện Bưu điện.

 

Ông Lê Văn Chỉnh, 64 tuổi ở Nguyễn An Ninh, Hoàng Mai, Hà Nội than phiền: "Chưa nơi nào kỷ cương trật tự an toàn giao thông bị vi phạm nghiêm trọng như ở Hà Nội. Trên đường phố, thanh thiếu niên chở ba, chở bốn, không đội mũ bảo hiểm nghênh ngang phóng xe máy trước mặt Cảnh sát giao thông. Còn những người thực thi nhiệm vụ, có cho uống… mật gấu cũng không dám phóng xe đuổi bọn chúng. Buồn lòng hơn, Thủ đô lại là nơi có tỷ lệ chống người thi hành công vụ cao… nhất nước. Đây cũng là nơi “khởi xướng” ra “phong trào” lái xe… hất cảnh sát lên nắp ca-pô".

 

Mới đây, Phó Bí thư Thường trực Thành Uỷ Hà Nội Nguyễn Công Soái đã thẳng thắn thừa nhận còn nhiều tồn tại trong công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật còn thiếu chiều sâu, chưa bền bỉ, liên tục, chưa phù hợp với đặc điểm từng đối tượng nên chất lượng, hiệu quả còn hạn chế. Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông thiếu kiên quyết, triệt để. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông chưa cao, tình trạng vượt đèn đỏ, đi vào đường cấm còn phổ biến...

 


(12-10-2012)   
 Các tin khác