Kim Duc Law Co.,Ltd

VĂN BẢN PHÁP LUẬT >> VĂN BẢN MỚI

Thông báo 332/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại Hội nghị giao ban toàn quốc thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 do Văn phòng Chính phủ ban hành

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 332/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 03 tháng 10 năm 2012

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG NGUYỄN THIỆN NHÂN TẠI HỘI NGHỊ GIAO BAN TOÀN QUỐC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020

Ngày 07 tháng 9 năm 2012, tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm 2012 thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 (Đề án 1956). Tham dự Hội nghị tại đầu cầu Hà Nội có đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan là thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương gồm: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Chính sách Xã hội, Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; đại diện lãnh đạo các Bộ, các cơ quan: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Quốc phòng, Ủy ban Dân tộc, Văn phòng Chính phủ, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, Đài Truyền hình Việt Nam, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, Hội Dạy nghề Việt Nam, Hội Làm vườn Việt Nam, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Chương trình Truyền hình Nông nghiệp - Nông thôn VTC 16 thuộc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC và Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo; tại đầu cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đại diện lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố; lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các sở ngành liên quan, các thành viên Ban Chỉ đạo địa phương, đại diện của một số mô hình thí điểm và cơ sở dạy nghề. Sau khi nghe báo cáo của đại diện lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội là cơ quan thường trực Đề án 1956; báo cáo của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông; ý kiến của các đại biểu dự họp tại các đầu cầu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kết luận như sau:

1. Thống nhất với Báo cáo tình hình thực hiện Đề án 1956 của Ban Chỉ đạo Trung ương. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt được trong 2 năm qua là đúng hướng và có hiệu quả với hơn 889 nghìn lao động nông nghiệp và phi nông nghiệp được học nghề, trong đó 73% có việc làm đúng với nghề đào tạo. Đến nay, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh và phê duyệt kế hoạch triển khai Đề án ở địa phương; 657 huyện đã có Ban Chỉ đạo cấp huyện (trừ các quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương và một số huyện đảo), trong đó 45% số huyện có bố trí biên chế cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề, 62% số huyện có Trung tâm dạy nghề hoặc Trường trung cấp nghề công lập cấp huyện, 84% số xã đã có Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác cấp xã về dạy nghề cho lao động nông thôn. Các địa phương đã chủ động xây dựng, phê duyệt các chương trình dạy nghề để tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành 71 chương trình dạy nghề trình độ sơ cấp. Các địa phương cần chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông triển khai thực hiện các chương trình này. Công tác bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ giáo viên dạy nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn tiếp tục được chú trọng. Công tác thông tin, tuyên truyền Đề án 1956 có nhiều sáng tạo, hiệu quả.

Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2012 do kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp cho các địa phương chậm và nhiều tỉnh chưa chủ động triển khai, nên tiến độ triển khai đào tạo mới đạt hơn 28% so với kế hoạch; còn 55% số huyện chưa bố trí biên chế cán bộ chuyên trách quản lý dạy nghề; 38% số huyện chưa có Trung tâm dạy nghề hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên có chức năng dạy nghề; 16% số xã chưa có Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác cấp xã về dạy nghề cho lao động nông thôn.

2. Một số công việc cần tiếp tục triển khai trong thời gian tới:

a) Giao Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản gửi lãnh đạo các địa phương quan tâm chỉ đạo, tập trung triển khai Đề án 1956 theo kế hoạch năm 2012 và những năm tiếp theo. Thời hạn hoàn thành trước ngày 15 tháng 10 năm 2012;

b) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan để hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 1956 trong 3 năm tới (2013 - 2015);

c) Bộ Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng kế hoạch, tổ chức bồi dưỡng cán bộ, công chức xã hàng năm và trong 3 năm tới (2013 - 2015);

d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ liên quan có văn bản hướng dẫn các địa phương tích cực triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo cơ chế ngành nông nghiệp ở các tỉnh là cơ quan chịu trách nhiệm trực tiếp triển khai dạy nghề cho lao động làm nông nghiệp và đẩy mạnh việc thí điểm dạy nghề theo hình thức cấp thẻ học nghề ở Thanh Hóa và Bến Tre;

đ) Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về Đề án 1956 trong thời gian tới, trong đó cần chú trọng kênh thông tin, truyền thông bằng tiếng các dân tộc;

e) Ngân hàng Chính sách Xã hội tập trung khai thác các nguồn vốn vay phù hợp để công khai thông tin cho lao động nông thôn vay học nghề ngắn hạn, vay khởi nghiệp hoặc tổ chức kinh doanh sau học nghề;

g) Trách nhiệm của chính quyền các địa phương:

- Khẩn trương bố trí biên chế cán bộ chuyên trách dạy nghề cấp huyện; tổ chức các cơ sở đào tạo cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện theo các phương thức thích hợp (Trung tâm dạy nghề, Trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề, Trung tâm văn hóa, thể thao và dạy nghề); hoàn chỉnh việc tổ chức Ban Chỉ đạo hoặc Tổ công tác cấp xã về dạy nghề cho lao động nông thôn. Thời hạn hoàn thành các công việc này trước ngày 30 tháng 10 năm 2012;

- Xác định Ủy ban nhân dân cấp huyện là cấp triển khai trực tiếp, chủ yếu Đề án 1956;

- Tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1956 vào tháng 2 năm 2013;

h) Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Đề án 1956:

- Đề xuất việc bổ sung đại diện Ủy ban Dân tộc tham gia Ban Chỉ đạo Trung ương, trình Trưởng ban xem xét, quyết định;

- Tổ chức Hội nghị toàn quốc sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án 1956 vào tháng 3 năm 2013.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, ngành và các cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP (để b/c);
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các BCĐ: Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội;
- Hội đồng Dân tộc của Quốc hội;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty 91;
- Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐTBXH;
- Đài Truyền hình Việt Nam;
- Hiệp hội Làng nghề Việt Nam;
- Hội Dạy nghề Việt Nam;
- Hội Làm vườn Việt Nam;
- Trung tâm Khuyến nông Quốc gia;
- Chương trình Truyền hình VTC16 thuộc Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC:
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KTN, ĐP, TCCV, TH;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Hữu Vũ


     (20-10-2012)